Phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD) đang là căn bệnh gây tử vong đứng thứ 3 trên toàn thế giới. Bệnh chưa thể chữa khỏi hoàn toàn, gây nhiều ảnh hưởng nặng nề tới sức khỏe và chất lượng cuộc sống người bệnh.

 

Mục lục [ Ẩn ]

Phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD) đang là căn bệnh gây tử vong đứng thứ 3 trên toàn thế giới. Bệnh chưa thể chữa khỏi hoàn toàn, gây nhiều ảnh hưởng nặng nề tới sức khỏe và chất lượng cuộc sống người bệnh.

Chữa COPD cần phối hợp nhiều biện pháp tổng hợp bao gồm: thay đổi lối sống (bỏ thuốc lá, thuốc lào…), sử dụng thuốc đúng cách, tập phục hồi chức năng hô hấp, hạn chế tiếp xúc với các dị nguyên kích thích đường thở….

Quan trọng hơn, để kiểm soát COPD hiệu quả, người bệnh cần xác định rõ đâu là nguyên nhân gây bệnh của mình để có phương hướng điều trị phù hợp.

Các nguyên nhân chủ yếu gây bệnh COPD bao gồm: 

- Yếu tố cơ địa: Những người có các yếu tố cơ địa sau dễ mắc COPD

+ Yếu tố di truyền: những người có kiểu hình đồng hợp tử allel Z trên gen α1-antitrypsin sẽ có nồng độ α1-antitrypsin trong máu giảm nhiều và dẫn đến nguy cơ phát triển bệnh COPD cao hơn người bình thường.

+ Người mắc hen phế quản và tăng đáp ứng đường thở: người mắc hen phế quản có nguy cơ mắc COPD gấp 12 lần so với người không mắc hen phế quản. Có khoảng 15% người có tăng đáp ứng đường thở phát triển thành COPD. 

+ Trẻ em sinh thiếu cân và nhiễm trùng hô hấp tái diễn cũng có thể phát triển COPD khi trưởng thành. Người mắc lao phổi cũng có nguy cơ mắc COPD.

- Yếu tố môi trường: Là yếu tố quan trọng nhất gây COPD, bao gồm:

+ Khói thuốc lá là yếu tố nguy cơ chính gây COPD. Một nghiên cứu tại Hoa Kì cho thấy người hút thuốc lá tăng nguy cơ mắc COPD gấp 2,6- 2,8 lần và tăng nguy cơ tử vong gấp >25 lần so với người không hút thuốc. Hút thuốc điếu nguy cơ mắc COPD cao hơn hút tẩu. Phụ nữ hút thuốc có nguy cơ mắc bệnh cao hơn nam giới và hút thuốc trong thời kì mang thai sẽ ảnh hưởng đến chức năng phổi ở thai nhi. Những người không hút thuốc nhưng chịu ảnh hưởng bởi những người hút thuốc (hút thuốc lá thụ động) cũng có nguy cơ mắc COPD.

+ Những người thường xuyên tiếp xúc với khói, bụi và hoá chất ở nơi làm việc (các hạt than, khói hàn, các bụi chất khoáng) có nguy cơ mắc COPD và nguy cơ tăng lên ở những người đồng thời có hút thuốc. 

+ Bụi ô nhiễm không khí trong và ngoài nhà ở do dùng bếp than, bếp ga, đun củi (khói từ các chất đốt), nhất là nhà ở kém thông khí cũng là yếu tố nguy cơ phát triển COPD. Theo Tổ chức y tế thế giới, ở các nước thu nhập thấp và trung bình, 30% bệnh nhân COPD là do thường xuyên hít phải khói từ các chất đốt. Phụ nữ và trẻ em chịu ảnh hưởng ô nhiễm trong nhà nhiều hơn nam giới. 

Sống trong môi trường bị ô nhiễm, nhiều khói bụi làm tăng nguy cơ mắc COPD. 

+ Những người trong chế độ ăn thiếu vi chất như vitamin C và E, dầu cá, Magie có thể mắc COPD. 

+ Những người sống trong điều kiện nhà ở chật chội, dinh dưỡng kém, lao động nặng nhọc cũng có có nguy cơ phát triển COPD.